Cao Lộc: Chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Cao Lộc đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện, lựa chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Hợp tác xã (HTX) Rau củ, quả Gia Cát, xã Gia Cát chuyên trồng các loại rau, củ, quả theo mùa từ nhiều năm nay. Năm 2020, được cơ quan chuyên môn huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, HTX đã đăng ký 2 sản phẩm tham gia chương trình gồm: rau cải làn và rau cải ngồng hoa vàng. Theo đó, với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, HTX đã chủ động tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm,… Đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên cuối năm 2020, cả 2 sản phẩm được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, được hỗ trợ bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện góp ý chỉnh sửa mẫu hộp đựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX cho biết: Qua tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm rau, củ, quả sạch nói chung và sản phẩm rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng của HTX nói riêng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, được đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, thị trường dần được mở rộng, góp phần mang lại doanh thu trên 600 triệu đồng/năm, tăng 20% so với năm 2019. Qua đó, các thành viên HTX có thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/năm.

Để tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm cần đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa theo quy định… Vì vậy, phòng chuyên môn của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân triển khai mô hình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn về chương trình OCOP. Từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn cho 210 lượt người. Song song với đó, năm 2020, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 240 triệu đồng, UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình gần 66.000 tem truy xuất nguồn gốc; 10.000 bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Ông Lộc Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm, xã Hải Yến cho biết: Năm 2019, được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, các thành viên THT đã tiến hành trồng, chăm sóc hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, năng suất, chất lượng được nâng lên. Cuối năm 2020, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở. THT sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 15 tấn hồng bán với giá từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg, thu về trên 500 triệu đồng năm 2020, tăng hơn 50 triệu đồng so với năm 2019.

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, đến nay, huyện Cao Lộc đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: hồng không hạt Bảo Lâm (xã Hải Yến); rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng (HTX Rau củ, quả sạch Gia Cát).

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Chương trình OCOP không chỉ góp phần tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các đặc sản của địa phương. Đây là cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, mặc dù nguồn kinh phí năm 2021 của chương trình chưa được phân bổ nhưng huyện Cao Lộc đã chủ động lựa chọn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu có thêm 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: hồng không hạt Bảo Lâm (xã Hòa Cư); hoa hồi khô (xã Xuất Lễ); hạt mắc ca (xã Yên Trạch). Ngoài ra, huyện tiếp tục đề xuất, xây dựng thêm 3 sản phẩm: rượu men lá, chanh rừng (xã Công Sơn); thịt hun khói (HTX Nông nghiệp Công Sơn) trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Theo LIỄU CHANG (Báo Lạng Sơn)